Dự án đường sắt cao tốc: canh bạc chiến lược của ông Tô Lâm?

Nếu con đường của ông Tô Lâm lại thất bại như ông Nguyễn Tấn Dũng thì sao?

Sự nghiệp chính trị của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thất bại vì các dự án kinh tế lớn sụp đổ: Vinashin, Vinaline và nhiều doanh nghiệp quốc doanh khác. Ông Tô Lâm đang làm tương tự ông Dũng, dù hướng đi có khác. Nếu các dự án kinh tế lớn của ông Tô Lâm thất bại, nó có ảnh hưởng tới sự nghiệp chính trị của ông hay không?

Vết xe đổ của ông Nguyễn Tấn Dũng

Ông Nguyễn Tấn Dũng thời làm thủ tướng đã bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các tập đoàn nhà nước lớn như Vinashin, Vietnam Petro, Điện lực Việt Nam, để đạt tăng trưởng GDP 8-9%, với quan niệm rằng “lạm phát 7-8% là bình thường.”

Ông lấy bài học Hàn Quốc để biện hộ cho chính sách này, dù Hàn Quốc bơm tiền cho doanh nghiệp tư nhân và có cơ chế giám sát, chiến lược và lộ trình bài bản hơn.

Một chuyên gia kinh tế trao đổi với RFA với điều kiện ẩn danh rằng việc ông Dũng bơm tiền vào nền kinh tế thông qua bơm tiền cho các tập đoàn quốc doanh ào ạt đã khiến cho giới “tư bản đỏ” nở rộ.

Mỗi tập đoàn nhà nước có hàng trăm công ty con liên quan. Các công ty này có quyền vay vốn nhà nước, quyền lấy đất đai và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sau đó cổ phần hóa cho “tư nhân” để hưởng lợi. Ông Nguyễn Phú Trọng đã cố gắng chống lại hệ thống tham nhũng này để bảo vệ chế độ, nhưng là một lãnh đạo giáo điều thủ cựu, ông không biết thay thế hệ thống của ông Dũng bằng cái gì tốt hơn.

Câu hỏi đặt ra là có phải ông Tô Lâm đã biết thay thế hệ thống của ông Dũng bằng một con đường khác “tốt hơn”? Việt Nam của ông Tô Lâm cũng xác định phải bơm hàng triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Lần này, dường như không phải thông qua các tập đoàn nhà nước, mà đã quá rõ là chỉ có thể thất bại như qua bài học Nguyễn Tấn Dũng, mà là qua mạng lưới các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có VinSpeed của Phạm Nhật Vượng với dự án đường sắt cao tốc.

Theo nhiều nhà quan sát, ông Nguyễn Tấn Dũng từng muốn lên tổng bí thư nhưng thất bại kinh tế nên bị lật đổ vì sai phạm, bị ông Trọng cho về quê “làm người tử tế”.

Nếu con đường của ông Tô Lâm lại thất bại như ông Dũng thì sao? Liệu ông Tô Lâm có đi vào vết xe đổ của Nguyễn Tấn Dũng với quân cờ Phạm Nhật Vượng? Bàn cờ Việt Nam mà ông Tô Lâm đã sắp xếp lại một cách ngoạn mục và dứt khoát liệu đã đủ để quân cờ Phạm Nhật Vượng giúp ông đi đến đích?

Ông Tô Lâm và dự án đường sắt cao tốc

Ông Tô Lâm kí nghị quyết đảng khẳng định phải làm đường sắt cao tốc bắc nam. Tuy nhiên, từ khi công ty VinSpeed của Phạm Nhật Vượng gửi văn bản đề xuất làm chủ đầu tư dự án này, chỉ có chính phủ Việt Nam ra mặt ủng hộ và thúc đẩy đề xuất của ông Vượng (phó thủ tướng Trần Hồng Hà). Ông Tô Lâm chưa nói gì về đề xuất của ông Vượng.

Câu hỏi đặt ra là tuy ông Tô Lâm chưa nói gì về VinSpeed, với quyền lực bao trùm của ông hiện nay, liệu chúng ta có thể tin rằng Phó thủ tướng Trần Hồng Hà thúc đẩy chính sách ủng hộ yêu cầu phi lý của Phạm Nhật Vượng mà chưa có sự đồng ý của Tô Lâm hay không?

Ngoài ra, toàn bộ hệ thống truyền thông nhà nước và mạng xã hội ở Việt Nam cũng được huy động để tuyên truyền cho đề xuất của VinSpeed. Có thể kết nối đề xuất của VinSpeed với ông Tô Lâm hay không? Có thể quy trách nhiệm đề xuất của VinSpeed cho ông Tô Lâm hay không?

Có thể nói trong bối cảnh ông Tô Lâm đứng đằng sau mọi chuyển động lớn, nắm mọi quyền lực, không thể có chuyện VinSpeed đưa ra một đề xuất ngạo mạn như vậy mà ông Tô Lâm không biết. Như vậy, có thể nói ông Tô Lâm là người chỉ huy cao nhất, chịu trách nhiệm cao nhất trước các dự án lớn, trước những thay đổi to lớn ở Việt Nam hiện nay, bao gồm cả dự án Vin Speedhay không?

Theo nhà nghiên cứu Hồ Như Ý, nhà nghiên cứu độc lập về Trung Quốc ở Ba Lan, cho tới hiện tại thì chưa có một sự liên hệ vững chắc nào giữa ông Tô Lâm và đề xuất của ông Vượng. Nhưng cũng có thể nói đây là một viên đá dò đường, tung “quân xanh quân đỏ” cho việc thăm dò sử dụng phương án tài trợ của Trung Quốc (đứng sau lưng VinGroup) và tất cả mới chỉ dừng ở phương án thăm dò đánh động phản ứng của dư luận. Ở thời điểm hiện nay, theo nhà nghiên cứu Hồ Như Ý, Tổng bí thư Tô Lâm vẫn chưa gắn chặt uy tín chính trị vào các đề xuất của Phạm Nhật Vượng mà để cho chính phủ (phó thủ tướng Trần Hồng Hà) đứng ra xúc tiến dự án VinSpeed này.

Khả năng thất bại của ông Vượng?

Phạm Nhật Vượng hứa sẽ hoàn thành dự án đường sắt cao tốc bắc nam vào năm 2030. Ai cũng thấy đây là điều bất khả thi. Năm 2030 sẽ là năm đang chuẩn bị cho nhiệm kì thứ 3 của ông Tô Lâm (2030 - 2035). Đây là dự án quan trọng nhất. Nếu nó thất bại, nó ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của ông Tô Lâm ra sao?

Trao đổi với RFA, Giáo sư Vũ Tường ở Đại học Oregon cho rằng chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Tổng Bí thư Tô Lâm là đúng, nhưng đó mới chỉ là đúng theo phương hướng chung. Phát triển kinh tế tư nhân, theo Giáo sư Vũ Tường, không có nghĩa là nhà nước giao một hợp đồng trị giá gần 70 tỷ đô la cho một công ty tư nhân duy nhất không qua quá trình thẩm định khả năng độc lập hay đấu thầu công khai.

Do đó, Giáo sư Vũ Tường cho rằng ở thời điểm hiện nay, rất khó đánh giá khả năng thành công và tính rủi ro của việc này, nhưng nhiều phần là khả năng thành công thấp và tính rủi ro cao. VinGroup mạnh nhất về kinh doanh nhà đất và chưa có kinh nghiệm xây dựng đường sắt, nhiều phần sẽ chỉ làm trung gian thuê lại công ty Trung Quốc xây và ăn hoa hồng. Như vậy dự án này sẽ không giúp VinGroup phát triển trở thành Samsung hay Hyundai trong tương lai, mà vẫn chỉ tiếp tục cách làm xưa nay. Việt Nam càng thêm lệ thuộc Trung Quốc, theo giáo sư chính trị học ở Đại học Oregon.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là nếu chính phủ Việt Nam muốn buộc công ty nước ngoài chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam, họ phải làm gì? Họ phải đứng ra đàm phán trực tiếp với đối tác nước ngoài, và đây là đối tác ở tầm chính phủ, chứ không thể giao cho VinGroup vì sẽ xung đột lợi ích (ông chủ của VinGroup dĩ nhiên phải lo vun vén cho VinGroup hơn là lo cho đất nước). Sau khi đã đạt được thoả thuận với công ty nước ngoài có lợi cho đất nước, chính phủ có thể tổ chức đấu thầu trong các công ty trong nước các phần việc khác nhau của dự án. Đó là câu trả lời của Giáo sư Vũ Tường. Ông nói tiếp:

“Nếu ông Tô Lâm và chính phủ thực sự vì lợi ích của đất nước, phải chọn cách làm trên dù khó và mất thời gian. Nhưng với “tư duy nhiệm kỳ,” liệu chúng ta có thể hy vọng các quan chức đặt lợi ích của đất nước trên hết, hay họ chỉ cần dự án hoành tráng để bổ sung cho hồ sơ chính trị, tiền nhà nước chi ra để chia chác, còn chuyện 5-10 năm nữa có thành công hay không là việc của người khác lo?”

Bơm tiền cho ông Vượng, Việt Nam sẽ thành Hàn Quốc hay Zimbabwe?

Ông Tô Lâm đã trở thành một “strong men” (lãnh đạo thâu tóm mọi quyền lực vào trong tay mình). Có thể thấy lợi ích của mô hình này strong men đối với quốc gia là quyết định nhanh, không bị cản trở. Nhưng quyết định nhanh, không bị cản trở, không có tranh luận, phản biện, thì “strong men” có thể như tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, cũng có thể là tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee.

Nắm quyền lực tuyệt đối, Robert Mugabe (1924–2019) bơm tiền liên tục vào nền kinh tế với những dự án hư vô, đưa Zimbabwe trở thành nước có lạm phát lên tới mười một triệu phần trăm (11.000.000 %) mà không bị ai ngăn cản. Thời ông, đồng tiền mệnh giá 100 tỷ dollar Zimbabwe (ZD) chỉ đủ mua một ổ bánh mỳ. Park Chung Hee của Hàn Quốc cũng là “strong men,” nhưng ngược lại, đưa đất nước “hóa hổ” ở châu Á.

Việt Nam với quyền lực tuyệt đối của Tô Lâm hiện nay có thể sẽ trở thành Zimbabwe hay Hàn Quốc, nếu nhìn từ sự suy tàn của quyền lực Quốc hội gần đây và dự án đường sắt cao tốc dự kiến sẽ bơm cho VinSpeed (Phạm Nhật Vượng) hơn 49 tỷ đô la trong 5 năm hiện nay?

Giáo sư Nguyễn Văn Chữ, cựu Trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh, Đại học Houston, Downtown, cho rằng mặc dù ông Tô Lâm tuyên bố thúc đẩy kinh tế tư nhân, nhưng thực tế, trong thể chế chính trị Việt Nam, rất khó biết những công ty tư nhân như VinGroup của Phạm Nhật Vượng, Viet Jet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo hay bất động sản Sun Group là của “tư nhân” hay “nhà nước”. Ông nói:

“Nhiều quốc gia chậm tiến đều không xử lý được tình trạng quan chức nhà nước sử dụng công ty tư nhân làm bình phong để chuyển tài sản quốc gia sang tài sản tư nhân của riêng họ. Có thể Việt Nam cũng tương tự như vậy. Vẫn có một khả năng là cái gọi là “công ty tư nhân” ở Việt Nam chưa chắc đã là “tư nhân” đúng nghĩa, mà đó có thể là quan chức nhà nước núp bóng tư nhân. Ở đây có sự xung đột lợi ích. Quan chức nhà nước và nhà nước phải là hai thực thể độc lập. “Quan chức nhà nước” cũng phải là đối tượng cần được “nhà nước” kiểm soát. Nhưng ở Việt Nam, hai thực thể này là một, do thể chế độc tài và không có sự cân bằng, kiểm soát quyền lực. Kết quả là quan chức nhà nước có thể huy động cả hai tay: một tay ký vào văn bản pháp luật, chính sách với tư cách là nhà quản trị quốc gia, còn tay kia ký vào hợp đồng kinh doanh của công ty tư nhân mà mình sở hữu giấu mặt.”

Theo nhà nghiên cứu Hồ Như Ý, không rõ Việt Nam có thành Zimbabwe hay không nhưng chắc chắn Việt nam sẽ không thể đi theo mô hình phát triển của Hàn Quốc thời họ còn độc tài. Bởi vì thực ra Hàn Quốc, ngay trong thời kỳ độc tài của Park Chung Hee, những nền tảng xây dựng độc lập tư pháp, bầu cử cấp địa phương vẫn được tổ chức. Chính phủ độc tài quân sự Hàn Quốc chỉ dùng Thiết Quân Luật để kiểm soát ở tầm trung ương. Còn Việt Nam hiện tại vẫn thiếu những thiết chế nền tảng để tạo nên những yếu tố của xã hội Hàn Quốc cách đây 30 đến 40 năm. Chính quyền Việt Nam xét cho cùng bản chất vẫn là một quốc gia được quản trị dựa trên mô hình Chủ nghĩa toàn trị cộng sản kiểu Liên Xô, mặc dù là phiên bản rút gọn hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.