Việc tập đoàn Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng muốn làm chủ đầu tư của dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam đang thu hút sự chú ý của dư luận.
RFA tổng hợp những thông tin đáng chú ý xung quanh sự kiện này.
Đường sắt cao tốc Bắc-Nam
Tham vọng xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc theo tuyến bắc nam đã dược thai nghén từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải thông qua Quyết định số 06/2002/QĐ-TTG, nhằm đặt ra một kế hoạch tổng thể đối với lĩnh vực đường sắt.
Tháng 8 năm 2008, Bộ Chính trị công bố Kết luận số 27-KL/TW về chiến lược phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam thậm chí đã ký văn bản ghi nhớ với Nhật Bản để vay 35 tỉ USD cho mục đích xây dựng đường sắt cao tốc, nhưng cuối cùng dự án không được thực hiện vì bị Quốc hội phủ quyết vào năm 2010.
Đến giai đoạn ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Thủ tướng Chính phủ, dự án đường sắt cao tốc bắc nam vẫn được tiếp tục thai nghén. Ông Phúc đã yêu cầu thực hiện nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án này, và đến đầu năm 2019 báo cáo được trình lên chính phủ, tuy nhiên báo cáo này sau đó bị bên thẩm tra yêu cầu chỉnh sửa lại.
Sau khi dịch Covid-19 đi qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW vào tháng 2 năm 2023. Kết luận này đặt mục tiêu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2025, khởi công các đoạn ưu tiên từ năm 2026, và hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.
Đến tháng 11 năm 2024, Quốc hội cuối cùng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo nhị quyết này, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc: Tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư Dự án.
Sự xuất hiện của Vinspeed và công văn gây bão
Ngày 6 tháng 5, ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch tập đoàn Vingroup đã thành lập công ty Vinspeed. Theo truyền thông nhà nước, công ty nay có vốn điều lệ vào khoảng 6.000 tỉ đồng, trong đó ông Vượng năm giữ 51% cổ phần, tập đoàn VinGroup giữ 10%, người nhà của ông Vượng giữ 4%.
Ngay trong ngày thành lập, công ty này đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ một công văn đề xuất được làm chủ đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trong văn bản trên VinSpeed đã yêu cầu chính phủ trao hàng loạt ưu đãi, bao gồm: được vay 80% vốn đầu từ từ nhà nước với lãi xuất 0%, được chỉ định trúng thầu các dự án xây dựng bất động sản dọc tuyến đường sắt, được quyền vận hành tuyến đường sắt trong vòng 99 năm, được quy định giá vé tối thiểu bằng 60%-75% giá vé máy bay.
Công văn trên đã gây xôn xao dư luận, phần là vì các bài báo đưa tin về nội dụng của công văn trên đã bị gỡ bỏ một cách bí ẩn, phần là vì những đòi hỏi được cho là quá đáng của VinSpeed.
Đến ngày 14 tháng 5, công ty của ông Phạm Nhật Vượng đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, với cam kết hoàn thành trong 5 năm. Báo chí nhà nước sau đó đã đồng loạt đưa tin theo hướng tích cực về sự tham gia của VinGroup vào dự án có trị giá 67 tỉ USD này.
Không những truyền thông nhà nước bày tỏ sự hăng hái đối với đề xuất của VinSpeed, Chính phủ cũng tỏ ra sốt sắng không kém.
Trên thực tế, ngày 10 tháng 5, trước cả khi VinSpeed chính thức đăng ký đầu tư dự án, Văn phòng Chính phủ đã gửi ra công văn mời họp đến một loạt các bộ, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, và người đứng đầu VinSpeed để bàn về đề xuất làm đường sắt cao tốc được công ty này đưa ra hôm 6 tháng 5. Cuộc họp diễn ra vào ngày 12 tháng 5.
Tiếp theo là gì?
Theo báo Tuổi Trẻ, trong cuộc họp giữa VinSpeed và các bộ của chính phủ, các cơ quan nhà nước ”cơ bản ủng hộ, hoan nghênh đối với đề xuất của Vinspeed việc đầu tư dự án dường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam”.
Cũng trong cuộc họp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu "Công ty Vinspeed chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ phương án đầu tư, lập bản so sánh giữa 2 phương án đầu tư giữa Nhà nước và tư nhân. Và nộp báo cáo cho Chính phủ trước ngày 22 tháng 5.
Ông Phó Thủ tướng cũng cho biết sẽ cần phải trình Quốc hội xem xét những đòi hỏi của VinSpeed như việc chuyển hình thức đầu tư (từ đầu tư công sang giao cho tư nhân làm), và những “cơ chế chính sách đặc thù” mà VinSpeed đề nghị.
Ban đầu có thông tin Bộ Xây dựng sẽ chịu trách nhiệm lấy ý kiến các bộ ngành rồi báo cáo Chính phủ cũng như trình Quốc hội vào ngày 20 tháng 5, đúng ngày VinSpeed kỷ niệm tròn hai tuần tuổi.
Tuy nhiên, trong cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt diễn ra vào chiều tối ngày 20 tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ tiếp tục “nghiên cứu các đề xuất của Công ty Vinspeed và báo cáo cấp có thẩm quyền.”
Điều này có nghĩa Chính phủ vẫn chưa hoàn thành báo cáo để trình Quốc hội trong ngày 20 tháng 5.
Kỳ họp hiện tại của Quốc hội dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30 tháng 6, Chính phủ sẽ cần phải hoàn thành báo cáo về đề xuất làm đường sắt cao tốc của VinSpeed và trình Quốc hội trong khoảng thời gian này.
Nếu đề xuất đầu tư của VinSpeed được Quốc hội biểu quyết trong kỳ họp này, thì đây sẽ là một sự kiện tạo kỷ lục về mặt thời gian.